Du lịch Việt Nam ở thời điểm hiện tại có tiềm năng phát triển rất lớn ở nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là ở nền tảng di động.
Ông Trần Thế Dũng - phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ đã góp ý cho Luật du lịch (sửa đổi) đang trình Quốc hội rằng:
"Xem bản dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) đang trình Quốc hội, có thể thấy có nhiều nội dung mới, đặc biệt trong đó là mục công nhận, xếp hạng khu du lịch cùng với điểm du lịch. Rất cần đánh giá, tách bạch chất lượng, đẳng cấp từng loại hình nhằm tăng sức hấp dẫn và để du khách lựa chọn, đồng thời ngăn chặn sự tùy tiện định giá dịch vụ và áp đặt khách du lịch...
Du lịch Việt Nam với nhiều thắng cảnh đẹp
Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, tôi thấy còn có nhiều vấn đề ở bản dự thảo luật kỳ này. Ví dụ, trong giới kinh doanh du lịch, ai cũng ngỡ ngàng về sự chậm chạp, lạc hậu của bản dự thảo khi trong đó không hề có một dòng nào nhắc đến chuyện kinh doanh trực tuyến đang phát triển rầm rộ.
Giờ đây, người đi du lịch, người làm du lịch ai chẳng biết những trang web như Agoda, Booking, TripAdvisor... Vậy Nhà nước đối diện với câu chuyện thực tế này như thế nào? Lẽ ra luật phải đề cập đến chuyện đó, nếu không thì sẽ là một sự lạc hậu không hề nhỏ.
Chính vì vậy, trong giới làm du lịch chúng tôi, nhiều người cho rằng bản dự thảo luật sửa đổi không quá mới so với luật hiện hành. Và nó chưa phải là sự kết tinh trí tuệ của nhiều ngành, nhiều bộ như bản thân ngành du lịch cần phải có. Ở đây, tôi xin góp ý nhiều cho một vấn đề: đó là về phần cơ sở lưu trú du lịch (chương VII).
Theo tôi, cần bổ sung những quy định cho sát thực tế, cụ thể trong vấn đề gắn sao cho khách sạn. Trong bao nhiêu năm dẫn khách đi tour, bản thân tôi bị khách kêu ca, phàn nàn rất dữ khi chất lượng các khách sạn 3 sao quá kém. Ngay ở trong nước thôi, cùng là khách sạn 3 sao cả nhưng có sự chênh lệch rất lớn.
Muốn kinh doanh tour trực tuyến - website là yếu tố không thể thiếu
Đặc biệt là khu vực phía Bắc, công tác đánh giá và xếp sao theo tiêu chuẩn có phần dễ dãi, châm chước. Vì vậy, theo tôi, thời hạn thẩm định lại các cơ sở lưu trú sau ba năm hoạt động nên được rút xuống còn hai năm mà thôi.
Nói đến đây, hẳn sẽ có nhiều người kinh doanh lĩnh vực khách sạn phản ứng, bảo rằng thời hạn ba năm là đã muốn “tắt thở” với các cơ quan chức năng, nay còn hai năm thì làm sao sống nổi? Dĩ nhiên, tôi cũng biết đằng sau câu chuyện thẩm định chất lượng để gắn sao cho khách sạn cũng có “chuyện này chuyện nọ” (!). Nhưng đó là một việc thuộc phạm trù khác.
Ở đây, tôi muốn nói rằng việc rút ngắn thời gian còn hai năm là hợp lý, vì như vậy mới buộc các chủ khách sạn chăm sóc, đầu tư cho cơ sở của mình đúng với số sao đã được cấp.
Bên cạnh vấn đề thẩm định, kiểm tra, giám sát chuyện gắn sao chất lượng cho khách sạn, thì chuyện nhân viên phục vụ khách sạn cũng phải được chăm chút để tương ứng với cơ sở lưu trú. Trong dự thảo Luật du lịch (sửa đổi), vấn đề này còn được nêu rất chung chung.
Trong khi trên thực tế, bên cạnh việc phàn nàn về chất lượng khách sạn kém so với số sao, du khách cũng kêu trời không ít về chất lượng của đội ngũ nhân viên phục vụ khách sạn".
Chú trọng tài nguyên biên giới, hải đảo
Tôi cũng đề nghị trong phần quy hoạch phát triển du lịch cần phải đề cập nhiều về biên giới, hải đảo, vốn sở hữu nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch. Tôi còn nhớ cách đây hơn hai năm đã được mời tham gia một cuộc tọa đàm để phục vụ cho tuyến bài phát triển du lịch vùng biên cương trên báo Tuổi Trẻ Xuân, mà được biết vấn đề này do chính Chủ tịch nước lúc ấy là ông Trương Tấn Sang gợi ý.
Tiềm năng du lịch vùng biên cương, biển đảo không chỉ mang ý nghĩa giáo dục lịch sử, chính trị mà thật sự có giá trị lớn về du lịch, kinh tế khi các địa phương vùng biên cương, biển đảo của nước ta rất đẹp, độc đáo.